Tổ chức Tỉnh (Việt Nam Cộng hòa)

Đệ Nhất Cộng hòa

Tỉnh trưởng là do tổng thống bổ nhiệm, có thể là quân nhân hoặc công chức. Cấp tỉnh không có mô hình cơ quan nghị luận. Tỉnh trưởng có toàn quyền hành pháp, thi hành mệnh lệnh trung ương; riêng ở vùng có dân thiểu số sắc tộc thì có thể gia giảm để thích hợp với tình hình địa phương.

Tỉnh trưởng cũng có quyền bổ nhiệm hội đồng xã và đề cử quận trưởng để tổng thống phái bổ. Nói chung thì tỉnh trưởng trực thuộc phủ tổng thống hoặc thông qua Bộ Nội vụ hay Tòa Đại biểu Chính phủ ở miền đó.[30]

Đệ Nhị Cộng hòa

Đứng đầu tỉnh là Tỉnh trưởng (quân nhân, thường là cấp Trung tá trở lên, hầu hết là cấp Đại tá) và Phó tỉnh trưởng (dân sự). Cả hai do Tổng thống bổ nhiệm và thông qua Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tỉnh trưởng có trách nhiệm trật tự an ninh, soạn ngân sách, và điều hành lực lượng Nhân dân Tự vệ[31] còn Phó tỉnh trưởng có trọng trách hành chánh. Chiếu theo Hiến pháp thời Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam thì người dân có quyền bỏ phiếu chọn Tỉnh trưởng nhưng trong tình trạng chiến tranh không thể tổ chức bầu cử địa phương ở mọi tỉnh được, Điều 65 cho phép Tổng thống nắm quyền bổ nhiệm Tỉnh trưởng.[32]

Trong khi ở cấp trung ương có các Bộ điều hành thì ở cấp tỉnh có các Ty:

  1. Ty Hành chánh: điều hợp các chương trình, tổ chức bầu cử, phát thẻ cử tri, báo cáo với Trung ương
  2. Ty Cảnh sát Quốc gia: kiểm tra lý lịch, cấp thẻ căn cước
  3. Ty Thông tin: quảng bá tin tức và chính sách Chính phủ
  4. Ty Canh nông: trông coi nông nghiệp
  5. Ty Điền địa: đo đạc đất đai, cấp phát đất cho người định cư
  6. Ty Tài chánh: kiểm soát chi thu
  7. Ty Kiến thiết: vẽ mẫu thực hiện các công trình
  8. Ty Công chánh: thực hiện công trình đào giếng, ống nước máy, cống nước, đắp đường, bắc cầu
  9. Ty Xã hội: phụ cấp nhu yếu phẩm cho người nghèo, kiểm soát các cơ sở như Cô nhi viện
  10. Ty Thanh niên: tổ chức các đoàn thể, các chương trình thể dục, thể thao, văn nghệ
  11. Ty Tiểu học: tổ chức trường sở, giáo viên
  12. Ty Y tế: trông coi trạm xá phát thuốc, chích ngừa, vệ sinh công cộng
  13. Ty Tỵ nạn cộng sản: ở những tỉnh thiếu an ninh, giúp cứu trợ và định cư

Sang thập niên 1970 việc phân phối các ty có thay đổi như sau:

Ty ở cấp tỉnh chấp hành lệnh của Tỉnh trưởng cùng những chỉ thị của Trung ương, tức các Bộ trưởng. Dưới các ty là phòng hoặc sở.

Tương đương với tỉnh nhưng dưới quy mô nhỏ hơn là các thị xã, đứng đầu là Thị trưởng. Riêng Sài Gòn có Đô trưởng cho Đô thành Sài Gòn.

Ngoài các ty, mỗi tỉnh còn có Hội đồng tỉnh, số lượng nghị viên tùy thuộc vào dân số mỗi tỉnh nhưng tối đa là 30 nghị viên. Hội đồng tỉnh có quyền quyết nghị, kiểm soát và tư vấn.[33]